Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật - Vướng mắc và kiến nghị

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật diễn ra rất đa dạng, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng khác nhau, tập trung vào các dạng hành vi quy định tại khoản 1 Điều 377 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng điều luật này còn có những vướng mắc.

1. Quy định của pháp luật hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật được hiểu là hành vi của người có chức vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để ra lệnh, quyết định hoặc không ra lệnh, quyết định hoặc không chấp hành quyết định hoặc thực hiện việc các hành vi bắt, giữ, giam người trái với quy định của pháp luật (ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, dịch chuyển thân thể của người khác) về căn cứ thẩm quyền và trình tự thủ tục.

Điều 377 BLHS năm 2015 quy định tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật. Tội danh này tại BLHS năm 2015 đã có những nội dung mới so với quy định tại BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phòng ngừa và đấu tranh chống loại tội phạm này cũng như nhận thức đúng quy định về tội này và việc phân biệt tội này với tội khác… Ngoài những dấu hiệu chung như: được xác định là tội xâm phạm hoạt động tư pháp (xâm phạm hoạt động đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án); chủ thể phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp; có lỗi cố ý. BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:

Về tên tội danh, BLHS năm 1985 đặt tên là tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn giam người trái pháp luật (Điều 239); BLHS năm 1999 đặt tên là tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật (Điều 303); BLHS năm 2015 đặt tên là tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377).

Về hành vi phạm tội, BLHS năm 1985 quy định 2 hành vi là: hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn không gia lệnh tha người hết hạn giam và hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn không chấp hành lệnh tha người hết hạn giam. BLHS năm 1999 cũng chỉ quy định 2 hành vi nhưng rõ ràng hơn là: Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của pháp luật và hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của pháp luật. Bộ luật cũng sửa thuật ngữ “lạm dụng…” thành “lợi dụng…”. BLHS năm 2015 quy định 05 nhóm hành vi từ điểm a đến điểm đ khoản 1 Điều 377.

Về hình phạt, BLHS năm 1985 quy định hai khung hình phạt chính và hình phạt cao nhất là 05 năm tù; BLHS năm 1999 quy định ba khung hình phạt chính và hình phạt cao nhất là 10 năm tù; BLHS năm 2015 quy định ba khung hình phạt chính và hình phạt cao nhất là 12 năm tù.

Về mặt khách quan, hành vi khách quan của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật theo Điều 377 BLHS 2015, gồm : 

- Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật (điểm a khoản 1 Điều 377) được hiểu là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong việc quyết định giam, giữ và trả tự do cho người đang bị giam, giữ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý không ra quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam khi đã hết thời gian tạm giữ, tạm giam hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù. Đối tượng của hành vi phạm tội này là người được trả tự do theo quy định của luật.

Ví dụ: Hành vi không ra quyết định trả tự do cho người đã hết thời gian tạm giữ, tạm giam (mà không có lệnh tạm giữ, tạm giam về một tội khác) hoặc cho người đã chấp hành xong hình phạt tù, người được giảm thời hạn chấp hành hình phạt (Điều 63), người được tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66); không ra quyết định trả tự do cho người bị giam, giữ khi có đủ căn cứ khẳng định người đó không có tội hoặc đã có quyết định đình chỉ vụ án; không ra quyết định trả tự do cho người đang bị tạm giam hoặc đang bị giam mặc dù người đó đã được Tòa án tuyên hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Chủ thể của hành vi phạm tội này là người có chức vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng như: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án các cấp; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp.

- Ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của  luật (hành vi này mới được bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 377) được hiểu là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn (thẩm quyền) trong việc ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người (bị can, bị cáo) để tạm giữ, tạm giam; bắt người trong trường hợp khẩn cấp đã cố ý ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người khi biết rõ việc bắt, giữ, giam người đó là không có căn cứ theo quy định của luật (Điều 110, 111, 112, 113, 117, 119 BLTTHS năm 2015).

Ví dụ: Không có căn cứ theo quy định tại điểm a, b hoặc c khoản 1 Điều 110 BLTTHS năm 2105 nhưng Thủ trưởng Cơ quan điều tra vẫn ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp; không có căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 119 BLTTHS nhưng Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp đã ra lệnh tạm giam bị can, bị cáo.

Chủ thể của hành vi phạm tội này là người có quyền ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người quy định tại khoản 2 Điều 110, khoản 1 Điều 113 BLTTHS năm 2015.

- Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật (điểm c khoản 1 Điều 377) được hiểu là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong việc giam, giữ và trả tự do cho người bị giam, giữ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật khi đã có đầy đủ điều kiện để trả tự do cho người đó.

Ví dụ: Hành vi không chấp hành quyết định của Viện kiểm sát hoặc quyết định của Tòa án trả tự do cho người đang bị tạm giữ, tạm giam khi đã hết thời hạn tạm giữ, tạm giam (mà không có lệnh tạm giữ, tạm giam về một tội khác) hoặc cho người đã chấp hành xong hình phạt tù. Chủ thể của hành vi phạm tội này là người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ sở tạm giữ, Trại giam, Trại tạm giam như Giám thị, Phó Giám thị, Quản giáo; Trưởng Nhà tạm giữ.

- Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành (điểm d khoản 1 Điều 377) được hiểu là trường hợp bắt, giữ, giam người mà không có lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người theo đúng quy định của luật hoặc là trường hợp bắt, giữ, giam người khi lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người chưa có hiệu lực thi hành.

Ví dụ: Điều tra viên thực hiện việc bắt, tạm giữ, tạm giam người khi chưa có lệnh hoặc quyết định của người có thẩm quyền theo quy định của luật. Chủ thể của hành vi phạm tội này là điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp.

- Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn (điểm đ khoản 1 Điều 377) được hiểu là trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam đã bị giữ, giam quá quá hạn do người có thẩm quyền đã không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam kịp thời.

Ví dụ: Viện trưởng Viện kiểm sát không ra quyết định gia hạn tạm giam kịp thời dẫn đến người bị tạm giam quá hạn. Chủ thể của hành vi phạm tội này là Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp.

Như vậy, đối với từng loại hành vi sẽ gắn với một chủ thể phạm tội khác nhau nhưng đều là người (chủ thể) có chức vụ, quyền hạn trong việc bắt, giữ, giam người.

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật là tội ghép quy định 3 hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc “bắt”, “giữ” và “giam” người trái pháp luật. Hành vi “không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật”, hành vi “không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật” và hành vi “không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn” thì sẽ phạm tội giữ người hoặc giam người trái pháp luật. Hành vi “ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật” và hành vi “thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành” thì tùy từng trường hợp sẽ phạm tội “bắt”, “giữ” hay “giam” người trái pháp luật.

2. Một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện.

Nghiên cứu tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật và qua thực tiễn xét xử loại tội này, tác giả thấy có một số vướng mắc và kiến nghị như sau:

Thứ nhất, về mặt khách quan của tội phạm, điều luật quy định ba hành vi phạm tội: hành vi bắt người trái pháp luật, hành vi giữ người trái pháp luật và hành vi giam người trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn. Các hành vi này đều là hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác nhưng khác nhau ở hình thức thể hiện cụ thể. Hiện nay, thực tiễn còn tồn tại tranh luận về việc định tội danh đối với trường hợp người thực hiện một, hai hoặc cả ba hành vi phạm tội.

Ví dụ: A là Điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, sau đó lại thực hiện hành vi giam người trái pháp luật theo Quyết định tạm giam (không có căn cứ pháp luật) của B (là Thủ trưởng Cơ quan điều tra). Việc định tội đối với A có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất, A phạm tội bắt người trái pháp luật và tội giữ người trái pháp luật bởi A đã thực hiện hai hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ...”.

Quan điểm thứ hai, ngoài phạm 2 tội trên A còn đồng phạm với B về tội giam người trái pháp luật. Quan điểm khác lại cho rằng: A phạm tội giữ người trái pháp luật, bởi vì cả hai hành vi bắt người và hành vi giữ người có liên quan chặt chẽ với nhau, hành vi này là tiền đề cho hành vi kia; vì vậy, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, chỉ xử lý đối với A về tội giữ người trái pháp luật, và không đồng phạm với B về tội giam người trái pháp luật bởi A chỉ thực hiện theo Quyết định của B mà không biết (không bắt buộc phải biết) quyết định tạm giam của B là trái pháp luật.

Trường hợp này mặc dù trên thực tế còn có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng theo tác giả, nếu người phạm tội chỉ có hành vi bắt người trái pháp luật mà không có hành vi giữ hoặc giam người trái pháp luật thì chỉ định tội là bắt người trái pháp luật. Nếu người phạm tội chỉ có hành vi giữ người trái pháp luật mà không có hành vi bắt hoặc giam người trái pháp luật thì chỉ định tội là giữ người trái pháp luật. Nếu người phạm tội chỉ có hành vi giam người trái pháp luật mà không có hành vi bắt hoặc giữ người trái pháp luật thì định tội là giam người trái pháp luật. Nếu người phạm tội vừa có hành vi bắt, vừa có hành vi giữ người trái pháp luật mà không có hành vi giam người trái pháp luật thì định tội bắt giữ người trái pháp luật. Nếu người phạm tội vừa có hành vi bắt, vừa có hành vi giam người trái pháp luật mà không có hành vi giữ người trái pháp luật thì định tội bắt, giam người trái pháp luật. Nếu người phạm tội có cả ba hành vi bắt, giữ và giam người trái pháp luật thì định tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật. Việc quy định trên là bảo đảm nguyên tắc công bằng trong pháp luật hình sự.

Thứ hai, trong thực tiễn còn nhầm lẫn giữ chủ thể là người “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để phạm tội trong tội “bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật” (điểm b khoản 2 Điều 157 BLHS năm 2015) với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377). Giữa hai tội này có một số điểm (dấu hiệu) chung giống nhau như khách thể bị xâm hại ở cả hai trường hợp phạm tội đều là quyền tự do thân thể của con người được pháp luật bảo hộ và chủ thể của cả hai trường hợp phạm tội đều là người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái với quy định của pháp luật nhưng cũng có một số điểm khác nhau.

- Về chủ thể phạm tội

+ Chủ thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 157 là người có chức vụ, quyền hạn nhưng không phải là người có chức vụ quyền hạn (không có thẩm quyền) tiến hành tố tụng hoặc không phải là người có thẩm quyền tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Họ có thể là Thủ trưởng cơ quan, tổ chức… như Chủ tịch xã, phường; Giám đốc doanh nghiệp; Trưởng phòng bảo vệ cơ quan, tổ chức…

+ Chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật quy định tại Điều 377 là người có chức vụ, quyền hạn (thẩm quyền) tiến hành tố tụng hình sự như: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên các cấp; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên các cấp; hoặc người có thẩm quyền tại các Trại giam, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ như: Giám thị Trại giam, Phó Giám thị Trại giam; Giám thị Trại tạm giam, Phó Giám thị Trại tạm giam; Trưởng Nhà tạm giữ, Phó Trưởng Nhà tạm giữ.

 - Về hành vi phạm tội

+ Hành vi phạm tội của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điểm b khoản 2 Điều 157) là trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn được thực hiện không phải trong hoạt động tố tụng hình sự cũng như thi hành án phạt tù; thi hành tạm giữ, tạm giam.

+ Hành vi phạm tội của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377) được thực hiện trong khi chủ thể thực hiện hoạt động tố tụng hình sự cũng như hoạt động quản lý, thi hành án hình sự tại trại giam; quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của BLTTHS; Luật Thi hành án hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

- Về khách thể bị xâm hại

+ Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157) do chủ thể thực hiện không phải trong hoạt động tố tụng hình sự cũng như thi hành án phạt tù; thi hành tạm giữ, tạm giam nên chỉ xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người và đối tượng của hành vi phạm tội là bất kỳ người nào.

+ Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377) do chủ thể thực hiện trong khi chủ thể thực hiện hoạt động tố tụng hình sự cũng như hoạt động quản lý, thi hành án hình sự tại trại giam; quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nên trước hết đã xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án và xâm phạm quyền tự do thân thể của con người; đối tượng của hành vi phạm tội thường là người có liên quan đến vụ án hình sự như người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt; người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù hoặc bất kỳ ai.

Bên cạnh đó, Điều 157 BLHS năm 2015 quy định “người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này …” đã xác nhận tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong trường hợp chủ thể “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” (điểm b khoản 2 Điều 157) khác tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377). Xuất phát từ tính chất đặc biệt của hoạt động tố tụng và thi hành án, BLHS đã tách và xác định lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tố tụng và thi hành án để thực hiện hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật là một tội phạm độc lập tại một điều luật riêng (Điều 377). Quan hệ giữa tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong trường hợp “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” (điểm b khoản 2 Điều 157) với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377) là quan hệ giữa trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn chung để bắt, giữ, giam người trái pháp luật và trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật trong lĩnh vực cụ thể - lĩnh vực hoạt động tố tụng và thi hành án. Tuy nhiên, quy định tại khoản 1 Điều 377 BLHS chưa xác định rõ nội dung này.

Vì vậy, nên sửa quy định tại khoản 1 Điều 377 BLHS năm 2015 “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn…” thành “người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây …”.

Thứ ba, BLHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn có hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật trong thời gian bao lâu mới bị coi là phạm tội hay mới bị coi là trái pháp luật và xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân, từ đó dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau. Trong thực tế có nhiều trường hợp các Trại giam, Trại tạm giam ở xa các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án) đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng và Trại giam, Trại tạm giam trong Quân đội do có địa bàn rộng; nên có nhiều tình huống các quyết định trả tự do cho bị can, bị cáo và người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù theo luật không được giao kịp thời dẫn đến các cơ sở giam giữ không thể trả tự do ngay cho họ mà vẫn giữ họ trong các cơ sở giam giữ (nhưng không giam họ, không gây hậu quả gì đối với họ) để chờ đến khi nhận được quyết định trả tự do hoặc quyết định chấp hành xong hình phạt tù (có thể là một vài tiếng đến 01 ngày) mới có thể cho họ ra khỏi cơ sở giam giữ. Vậy trong trường hợp này, những người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ sở giam giữ có phạm tội giữ người trái pháp luật không?

Theo tác giả cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về tính “trái pháp luật” trong hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật là hành vi vi phạm các quy định về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt, giữ hoặc giam người được quy định trong BLHS năm 2015 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, tránh dẫn đến việc nhận thức và áp dụng không thống nhất trong một số vụ án cụ thể. Theo đó, để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, duy trì trật tự xã hội, pháp luật nên quy định chỉ cần người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là đã cấu thành tội này chứ không cần quy định phải thời gian bao lâu.

Thứ tư, trong thực tế có nhiều trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật vì vụ lợi cá nhân để thu lời bất chính. Ví dụ: A trộm cắp của B 01 chiếc điện thoại di động trị giá 6.000.000 đồng; A là người không có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; nhưng do trước đó gia đình A và gia đình B có mâu thuẫn về việc tranh chấp đất đai (chưa thể giải quyết được), nên B đã mua chuộc C và D (là thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát huyện) với số tiền 20.000.000 đồng để C ra lệnh tạm giam, D phê chuẩn lệnh tạm giam đối với A.

Trong trường hợp này lệnh tạm giam đối với A là không có căn cứ pháp luật theo quy định tại Điều 119 BLTTHS năm 2015; nên C và D đã phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam người trái pháp luật” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 377 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là số tiền thu lời bất chính do phạm tội mà có thì lại không bị xử lý. Vì vậy, nên chăng bổ sung thêm tình tiết định khung tăng nặng vào khoản 2 và khoản 3 Điều 377 BLHS năm 2015 theo từng mức độ (số tiền thu lời bất chính) là: “Vì vụ lợi cá nhận...” hoặc Thu lời bất chính từ ... đồng đến... đồng”.

Thứ năm, về hình phạt chính, hình phạt tù là hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội, tuy nhiên hiện nay cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, theo hướng hạn chế hình phạt tù. Theo chúng tôi nên sửa mức hình phạt tại khoản 2, 3 Điều 377 BLHS 2015 (khoản 2 mức hình phạt cao nhất đến 05 năm; khoản 3 mức hình phạt cao nhất đến 10 năm).

Về hình phạt bổ sung, khoản 4 Điều 377 BLHS 2015 quy định: “Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Người phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật” là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án các cấp; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Giám thị, Phó Giám thị, Quản giáo; Trưởng Nhà tạm giữ. Trong thực tế, sau khi chấp hành xong hình phạt tù họ không thể được bổ nhiệm để tiếp tục giữ các chức vụ trên. Điều 41 BLHS năm 2015 quy định: “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội”. Vậy, người phạm tội này sau khi chấp hành xong hình phạt bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong lĩnh vực nào thì coi là nguy hiểm cho xã hội? Vấn đề này cũng cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, đối với những người phạm tội này trên thực tế cũng khó có thể tiếp tục được bổ nhiệm là người có chức vụ. Ngoài ra, Điều 377 BLHS năm 2015 quy định “người phạm tội còn bị cấm...”, quy định này hiểu là ngoài việc chấp hành hình phạt chính thì người phạm tội (trong mọi trường hợp) đều (bắt buộc) phải chịu thêm hình phạt bổ sung này. Theo chúng tôi, hình phạt bổ sung là tùy từng trường hợp Tòa án có thể buộc họ phải chịu thêm nếu thấy cần thiết. Vì vậy, khoản 4 Điều 377 nên sửa thành “Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định...” .

Tóm lại, quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do, dân chủ rất quan trọng của công dân được bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật. Xâm phạm đến quyền này chính là xâm phạm đến quyền con người. Do đó, nếu người nào thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để có cơ sở pháp lý đầy đủ và vững chắc, thì việc tiếp tục hoàn thiện Điều 377 BLHS 2015 và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành về tội này là cần thiết để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

                                               

 

 

 

 

ThS. ĐỖ THANH XUÂN (Tòa án quân sự Khu vực Thủ đô Hà Nội)