Đưa ra xét xử vụ Tân Hoàng Minh với hơn 1000 bị hại có mặt tại Tòa

Sáng ngày 19/3, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng con trai và 13 đồng phạm ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khoảng hơn 1000 nhà đầu tư là bị hại cũng có mặt tại tòa.

Ngoài 15 bị cáo (7 người tại ngoại, 8 người bị tạm giam), 27 luật sư bào chữa cùng đại diện các công ty liên quan, trong phiên sơ thẩm này, TAND Hà Nội triệu tập bị hại là các nhà đầu tư đã mua, góp vốn đầu tư trái phiếu trong vụ án, xác định được 6.630 người.

Theo ghi nhận trong số 6.630 bị hại được triệu tập, đến nay mới có khoảng hơn 1.000 bị hại có mặt tại tòa. Do số lượng bị hại quá đông nên một số được ngồi ở phòng xét xử, số còn lại được Tòa án bố trí ngồi trong rạp, bên ngoài sân tòa. Tại đây, các bị hại được theo dõi diễn biến phiên tòa thông qua màn hình tivi cỡ lớn, loa.

Sau phần thủ tục, đại diện VKS công bố cáo trạng dài 25 trang.

Theo cáo trạng, năm 2021, do vay nợ lớn, các dự án mới chưa thể triển khai và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ vay gần 20.000 tỷ đồng. Để tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn, ông Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

 

Hơn 1000 bị hại có mặt tại phiên tòa vụ Tân Hoàng Minh, phần lớn theo dõi diễn biến phiên tòa thông qua màn hình tivi cỡ lớn, loa

Cáo trạng xác định, các bị cáo không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh do số liệu tài chính phức tạp, khó kiểm toán mà lựa chọn các công ty trực thuộc Tập đoàn để phát hành.

Ông Dũng chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân 3 công ty là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư. Các bị cáo cũng liên hệ với một số công ty kiểm toán để làm đẹp báo cáo tài chính sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Với loại tài sản chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, Tân Hoàng Minh thông qua các công ty thẩm định giá ban hành chứng thư, ghi nhận giá trị tài sản đảm bảo để tạo niềm tin cho người mua trái phiếu.

Bằng cách thức trên, Cty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Tân Hoàng Minh sau đó ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu và cho tổ chức chạy dòng tiền khống để tạo lập giá trị ảo của trái phiếu. Dòng tiền sẽ chạy từ Tân Hoàng Minh sang các công ty phát hành rồi lại chuyển tiếp cho các cá nhân.

Tại thời điểm khởi tố vụ án, tháng 4/2022, Tân Hoàng Minh dùng hơn 5.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu đến hạn trước. Theo cơ quan điều tra, số tiền còn lại hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 khách hàng đã bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt. Trong giai đoạn điều tra, ông Dũng đã nộp lại toàn bộ số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt.

 

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng (trái) cùng một số bị cáo trong vụ án

Trước khi diễn ra phiên tòa, hơn 1.200 nhà đầu tư là những bị hại trong vụ án đã có đơn xin giảm án cho các bị cáo. Bởi theo họ, các bị cáo đều đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi sai phạm, có nhân thân tốt.

Trong đó, cha con ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Cty Tân Hoàng Minh), được nhiều bị hại đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt vì trong thời gian ngắn họ đã nỗ lực khắc phục hoàn toàn 100% số tiền của người mua trái phiếu (hơn 8.600 tỷ đồng) vào Kho bạc Nhà nước.

TRIỆU HỒ

Bị cáo Đỗ Anh Dũng bị dẫn giải tới phiên tòa - Ảnh: Ngọc Thành