Xử lý số tiền đánh bạc dưới hình thức mua bán số lô, đề như thế nào cho đúng?

Việc xử lý vật chứng là vấn đề quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, Bộ luật hình sự (BLHS), Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định liên quan, tuy nhiên trong thực tiễn vẫn còn tốn tại nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có trường hợp không thống nhất về xử lý số tiền đánh bạc dưới hình thức mua bán số lô, đề.

Ngày 25/12/2022 Nguyễn Văn A bị Cơ quan Công an bắt giữ và khởi tố về tội đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS, quá trình điều tra xác định: Nguyễn Văn A lợi dụng kết quả Xổ số Miền Bắc để thực hiện hành vi mua bán số lô, đề theo nguyên tắc người mua lựa chọn ngẫu nhiên 02 số, nếu là đề thì trùng với 02 số cuối của giải đặc biệt thì tỷ lệ ăn là 1.000 đồng = 70.000 đồng và lô là 02 cuối của tất cả các giải xổ số nếu trùng thì tỷ lệ là 01 điểm lô tương đương 23.000 đồng và trúng 80.000 đồng. Cụ thể như sau vào ngày 14/11/2022 Nguyễn Văn A mua bán số lô, đề với Hồ Văn C trong đó số tiền C mua số lô, đề là 03 triệu đồng, số tiền mà C thắng cược là 04 triệu đồng. Tổng số tiền đánh bạc giữa Nguyễn Văn A và Hồ Văn C là 07 triệu đồng.

Liên quan đến xử lý số tiền đánh bạc trong vụ án nêu trên còn tồn tại một số quan điểm sau đây:

Quan điểm thứ nhất: Theo quy định mục 5.1 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/HĐTP-NQ ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 248 và Điều 249 BLHS thì “Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc

a) Trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ.

Ví dụ: B mua 5 số đề với tổng số tiền là 100.000 đồng, tỷ lệ được thua 1/70 lần, trong đó có 4 số đề mua mỗi số 10.000 đồng, 1 số đề mua với số tiền 60.000 đồng, hành vi của B bị phát hiện sau khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... và B đã trúng số đề mua với số tiền 60.000 đồng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng + (60.000 đồng × 70 lần) = 4.300.000 đồng.

b) Trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.

Ví dụ 1: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.1 khoản 5 Điều này, nếu B không trúng số nào thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng.

Ví dụ 2: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.1 khoản 5 Điều này, nếu hành vi của B bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng B có trúng số đề hay không trúng số đề)”.

Như vậy, trong vụ án nêu trên Hồ Văn C mua số lô, đề là 03 triệu đồng và số tiền thắng là 04 triệu đồng. Tổng số tiền mà C đánh bạc trong vụ án là 07 triệu đồng, vì vậy, cần truy thu số tiền mà C sử dụng vào mục đích đánh bạc là 07 triệu đồng.

Đồng thời, theo quy định tại mục 5.2 thì “Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc

a) Trường hợp có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người).

Ví dụ: D là chủ đề của 5 người chơi số đề khác nhau, mỗi người chơi một số đề với số tiền là 50.000 đồng (tổng cộng là 250.000 đồng); tỷ lệ được thua là 1/70 lần và có 2 người đã trúng số đề thì số tiền D dùng để đánh bạc trong trường hợp này là 250.000 đồng + (50.000 đồng × 70 lần × 2 người)  = 7.250.000 đồng.

b) Trường hợp không có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ.

Ví dụ 1: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.2 khoản 5 Điều này, nếu cả 5 người chơi không trúng số đề thì số tiền mà chủ đề dùng đánh bạc là 50.000 đồng × 5 người = 250.000 đồng. 

Ví dụ 2: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.2 khoản 5 Điều này, nếu hành vi của D bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền D dùng đánh bạc trong trường hợp này là 50.000 đồng × 5 người = 250.000 đồng (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng có hay không có người trúng số đề)”.

Trong trường hợp nêu trên Nguyễn Văn A là chủ số lô, đề số tiền mà A nhận của C là 03 triệu đồng và số tiền C thắng cược mà A phải trả là 04 triệu đồng. Vì vậy, cần truy thu số tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc của Nguyễn Văn A là 07 triệu đồng.

Quan điểm thứ hai: Chúng tôi đồng tình với quan điểm này, theo chúng tôi cần phải hiểu quy định tại mục 5.1 và 5.2 của khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 01/2010 áp dụng đối với người mua số lô, đề và chủ số lô, đề là tính tổng số tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc để định tội danh và định khung hình phạt, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà không áp dụng quy định này để truy thu số tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc, việc truy thu này dẫn đến việc trùng thu và gây bất lợi cho bị cáo. Vì vậy, việc truy thu số tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc trong các vụ án mua bán số lô, đề cần phân chia cụ thể như sau:

Thứ nhất: Đối với trường hợp người mua lô, đề và chủ số lô, đề chưa thanh toán tiền với nhau thì truy thu số tiền mà chủ số lô, đề phải bỏ ra khi người mua thắng cược và truy thu số tiền gốc mà người mua số lô, đề bỏ ra để mua số lô, đề. Trong vụ án trên truy thu của Nguyễn Văn A số tiền 04 triệu đồng là số tiền mà A phải trả cho C khi C thắng cược và truy thu số tiền 03 triệu đồng của C khi C bỏ tiền ra để mua số lô, đề.

Thứ hai: Đối với trường hợp người mua số lô, đề và chủ số lô, đề đã thanh toán với nhau thì truy thu số tiền gốc mà chủ lô, đề đã nhận từ người mua và truy thu số tiền mà người mua thắng cược khi được nhận từ chủ số lô, đề. Trong vụ án nêu trên truy thu số tiền 03 triệu đồng từ Nguyễn Văn A từ số tiền gốc mà C bỏ ra và 04 triệu đồng từ Hồ Văn C do đã nhận tiền thắng cược từ A.

Thứ ba: Đối với trường hợp người mua số lô, đề và chủ số lô, đề trừ số tiền gốc của người mua với số tiền thắng cược để thanh toán số tiền còn lại trong vụ án nêu trên Hồ Văn C bỏ ra số tiền gốc là 03 triệu đồng và thắng số tiền 04 triệu đồng như vậy số tiền mà C nhận lại được sau khi trừ tiền gốc là 1 triệu đồng nên cần truy thu số tiền 1 triệu đồng từ C và Nguyễn Văn A chủ số lô, đề thu được số tiền gốc từ C là 03 triệu đồng và không phải chi trả số tiền mà C thắng cược là 03 triệu đồng nên cần truy thu của A số tiền 06 triệu đồng.

Trong các vụ án đánh bạc dưới hình thức mua bán số lô, đề việc truy thu số tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc thì người mua số lô, đề và chủ số lô, đề nhận được bao nhiêu tiền từ hành vi mua bán số lô, đề thì truy thu số tiền đó là phù hợp.

Trên đây là những cách hiểu khác nhau về truy thu số tiền đánh bạc dưới hình thức mua bán số lô, đề rất mong nhận được sự trao đổi từ bạn đọc./.

 

TAND tỉnh Bắc Kạn xét xử vụ án đánh bạc bằng hình thức ghi lô đề - Ảnh: Việt Bắc

 

 

TRẦN VĂN HÙNG (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)